Sự lạc hậu Thiết_giáp_hạm_tiền-dreadnought

Bài chi tiết: Dreadnought
Mikasa là thiết giáp hạm tiền-dreadnought duy nhất còn lại vào ngày hôm nay.

Vào năm 1906, việc đưa vào hoạt động chiếc HMS Dreadnought đã dẫn đến mọi thiết giáp hạm hiện hữu đều trở thành lạc hậu. Bằng cách loại bỏ dàn pháo hạng hai, Dreadnought có thể mang mười khẩu pháo 305 mm (12 inch) thay vì bốn. Nó có thể bắn tám khẩu pháo hạng nặng qua mạn tàu so với bốn khẩu trên một chiếc tiền-dreadnought; và bắn bốn khẩu về phía trước so với hai.[46] Sự dịch chuyển sang một thiết kế "toàn súng lớn" là một kết luận hợp lý của quá trình gia tăng khoảng cách đối đầu trong chiến đấu, và một dàn pháo hạng hai ngày càng mạnh hơn trên những chiếc tiền-dreadnought cuối cùng. Nhật Bản và Hoa Kỳ đã thiết kế những tàu chiến có sự bố trí pháo tương tự trước chiếc Dreadnought, nhưng đã không thể hoàn tất chúng trước con tàu Anh.[47] Người ta cho rằng chỉ có những khẩu pháo lớn nhất mới có hiệu quả trong trận chiến, và bằng cách bố trí thêm nhiều pháo 305 mm (12 inch), Dreadnought hiệu quả gấp hai, ba lần trong chiến đấu so với thiết giáp hạm hiện hữu.[48]

Hỏa lực của thế hệ tàu chiến mới không phải là ưu thế chủ yếu duy nhất. Dreadnought sử dụng động cơ turbine hơi nước làm lực đẩy, cung cấp một tốc độ tối đa lên đến 39 km/h (21 knot), so với tốc độ 33 km/h (18 knot) tiêu biểu của những thiết giáp hạm tiền-dreadnought. Khả năng vượt trội về pháo và sự cơ động so với đối thủ khiến cho thiết giáp hạm dreadnought hơn hẳn một cách quyết định so với các thiết kế trước đây.[3]

Dù sao, thiết giáp hạm tiền-dreadnought vẫn tiếp tục hoạt động thường trực và tham gia nhiều trận chiến đáng kể cho dù đã lạc hậu. Thiết giáp hạm dreadnought và tàu chiến-tuần dương được tin là cần thiết cho những trận hải chiến quyết định mà mọi quốc gia vào lúc đó đều dự đoán, nên được hết sức giữ gìn khỏi các nguy cơ hư hại bởi mìn hay bởi các cuộc tấn công bằng tàu ngầm, và được giữ càng gần vùng biển nhà càng tốt. Sự lạc hậu và chấp nhận tiêu hao của những chiếc tiền-dreadnought khiến chúng có thể được bố trí trong những tình huống nguy hiểm và các khu vực chiến sự xa xôi.[49]

Thiết giáp hạm tiền-dreadnought duy nhất còn lại được bảo tồn vào ngày hôm nay là soái hạm của Hạm đội Nhật Bản trong trận Tsushima, Mikasa, hiện đang ở tại Yokosuka, là một tàu bảo tàng kể từ năm 1925.

Chiến tranh Thế giới thứ nhất

HMS Canopus đang nả pháo 305 mm (12 inch) xuống các khẩu đội bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ năm 1915. Ảnh được chụp bởi Ernest Brooks.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, một số lượng lớn những chiếc tiền-dreadnought vẫn còn đang phục vụ. Sự tiến bộ về động cơ và vũ khí khiến cho chúng không thể ngang bằng ngay cả với một tàu tuần dương bọc thép hiện đại, và hoàn toàn bị áp đảo bởi thiết giáp hạm hay tàu chiến-tuần dương thế hệ dreadnought. Dù sao, những chiếc tiền-dreadnought vẫn đóng một vai trò lớn trong cuộc chiến này.

Điều này được thể hiện trước tiên trong những trận đánh lẻ tẻ giữa hải quân Anh và Đức tại vùng biển Nam Mỹ vào cuối mùa Thu năm 1914. Khi hai tàu tuần dương Đức đe dọa các tàu bè Anh, Bộ Hải quân Anh cho rằng không thể dành ra bất kỳ tàu chiến-tuần dương nào từ hạm đội chính gửi đến bên kia Trái Đất mà đối phó với chúng. Thay vào đó, họ gửi một chiếc tiền-dreadnought lỗi thời của năm 1896 HMS Canopus. Được dự tính để tăng cường cho các tàu tuần dương Anh trong khu vực, trong thực tế tốc độ chậm làm cho nó bị tụt lại phía sau trong trận Coronel thảm hại. Canopus chuộc lại khuyết điểm của mình trong trận chiến quần đảo Falkland, nhưng chỉ sau khi tự mắc cạn để hoạt động như một tàu phòng thủ hải cảng. Nó khai hỏa từ một tầm rất xa 12,3 km (13.500 yard) nhắm vào tàu tuần dương Đức SMS Gneisenau, quả đạn pháo duy nhất bắn trúng đích lại là một quả đạn pháo mã tử dùng trong huấn luyện còn sót lại từ đêm trước, đã trúng vào một trong các ống khói của Gneisenau. Ngần ấy cũng đủ để răn đe Gneisenau về mối nguy cơ bị hư hại bởi một hải đội Anh vẫn còn chạy bằng than. Trận chiến sau đó được quyết định bởi hai tàu chiến-tuần dương thuộc lớp Invincible được gửi đến sau thất bại của trận Coronel.[50] Đây có lẽ là hoạt động chống lại tàu chiến đối phương có ý nghĩa duy nhất được thể hiện bởi một thiết giáp hạm tiền-dreadnought Anh Quốc.

Tại Biển Đen, năm thiết giáp hạm tiền-dreadnought Nga tham gia một hoạt động ngắn đối đầu với tàu chiến-tuần dương Thổ Nhĩ Kỳ Yavuz trong trận mũi Sarych vào tháng 11 năm 1914.

Nguyên tắc những chiếc tiền-dreadnought đáng bỏ đi có thể sử dụng ở nơi không thể liều lĩnh bố trí tàu chiến hiện đại được Anh, Pháp và Đức áp dụng cho những chiến trường phụ. Hải quân Đức thường xuyên sử dụng những chiếc tiền-dreadnought của họ trong các chiến dịch tại Baltic. Tuy nhiên, số lượng thiết giáp hạm tiền-dreadnought lớn nhất là khi tham gia Gallipoli. Mười hai chiếc tiền-dreadnought Anh và Pháp đã tạo nên phần lớn của lực lượng mưu toan vượt qua eo biển Dardanelles vào tháng 3 năm 1915. Vai trò của những chiếc tiền-dreadnought là hỗ trợ cho chiếc dreadnought mới nguyên Queen Elizabeth đối đầu với sự phòng thủ trên bờ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ba chiếc pre-dreadnought bị đánh chìm bởi mìn và nhiều chiếc khác hư hại đáng kể. Tuy nhiên, không phải do những tổn thất đối với thiết giáp hạm tiền-dreadnought khiến cho chiến dịch này bị hủy bỏ: hai chiếc tàu chiến-tuần dương cũng bị hư hại; và vì Queen Elizabeth không thể liều lĩnh trước các bãi mìn, trong khi những chiếc tiền-dreadnought không có khả năng đối đầu với tàu chiến-tuần dương Thổ Nhĩ Kỳ ẩn náu phía bên kia eo biển khiến cho chiến dịch này thất bại.[51] Những chiếc tiền-dreadnought cũng được sử dụng hỗ trợ cho việc đổ bộ lên Gallipoli, nơi có thêm ba chiếc bị mất: Goliath, TriumphMajestic.[52]

Bưu ảnh của chiếc USS Connecticut (BB-18), được sử dụng để chuyên chở binh lính hồi hương vào năm 1919.

Một hải đội thiết giáp hạm tiền-dreadnought Đức đã hiện diện trong trận Jutland năm 1916; thủy thủ Đức gọi chúng là những "con tàu năm phút", là thời gian mà chúng hy vọng có thể tồn tại trong một trận đánh lên đến mức cao điểm.[53] Mặc dù có những hạn chế, hải đội tiền-dreadnought đã đóng một vai trò hữu ích. Khi Hạm đội Đức thoát ra khỏi trận đánh, những chiếc tiền-dreadnought đã tự nguyện mạo hiểm đối đầu với hạm đội chiến trận Anh khi trời sụp tối.[54] Dù sao, chỉ có một chiếc trong số chúng bị mất: SMS Pommern bị đánh chìm trong một trận đánh đêm lộn xộn khi các hạm đội chiến trận của hai phía rút lui.[55]

Sau thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 11 năm 1918, Hải quân Hoa Kỳ cải biến 15 thiết giáp hạm cũ, tám tàu tuần dương bọc thép và hai tàu tuần dương bảo vệ lớn để hoạt động tạm thời như những tàu vận chuyển. Mỗi chiếc đã thực hiện từ một đến sáu chuyến đi khứ hồi vượt Đại Tây Dương, giúp hồi hương tổng cộng hơn 145.000 hành khách.[56]

Chiến tranh Thế giới thứ hai

Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, đa số thiết giáp hạm, bất kể dreadnought hay tiền-dreadnought, đều bị giải giáp theo những điều khoản của Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922.[57] Hầu hết chúng đều bị bán để tháo dỡ thành sắt vụn; số khác bị đánh chìm như một mục tiêu thực hành tác xạ hay được chuyển sang vai trò huấn luyện và tiếp liệu. Một chiếc duy nhất, Mikasa, có được một miễn trừ đặc biệt trong Hiệp ước Hải quân Washington, được giữ lại như một bảo tàng và một tàu lưu niệm.

Các thiết giáp hạm tiền-dreadnought SchlesienSchleswig-Holstein trong cảng vào khoảng năm 1930. Cả hai đã tham gia hoạt động trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Bị mất hầu hết hạm đội của họ theo những điều khoản của Hiệp ước Versailles, Đức được phép giữ lại tám chiếc tiền-dreadnought (trong đó chỉ được phép có tối đa sáu chiếc hoạt động thường trực vào mọi lúc) được xem như những tàu bọc thép phòng vệ duyên hải;[58] và hai trong số đó đã kéo dài phục vụ cho đến khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra. Một trong số đó, Schleswig-Holstein, đã nã pháo xuống bán đảo Westerplatte của Ba Lan vào lúc mở màn của cuộc xâm chiếm Ba Lan. Schleswig-Holstein phục vụ hầu hết thời gian của cuộc chiến tranh như một tàu huấn luyện; nó bị đánh chìm trong khi được tái trang bị vào tháng 12 năm 1944, và bị tháo dỡ tại chỗ vào tháng 1 năm 1945. Chiếc kia, Schlesien, bị trúng mìn và bị đánh chìm vào tháng 3 năm 1945.[4]

Một số chiếc tiền-dreadnought không hoạt động hoặc đã giải giáp vẫn bị đánh chìm trong các hoạt động của Thế Chiến II, như trường hợp của những chiếc tiền-dreadnought Hy Lạp KilkisLimnos, được mua lại từ Hải quân Mỹ vào năm 1914. Cho dù cả hai không ở trong lực lượng chiến đấu thường trực, chúng đều bị máy bay ném bom bổ nhào Đức đánh chìm sau khi Đức chiếm đóng Hy Lạp năm 1941.[59] Tại Thái Bình Dương, tàu ngầm Hải quân Mỹ USS Salmon đã đánh chìm chiếc tiền-dreadnought Nhật Bản không vũ trang Asahi vào tháng 5 năm 1942. Nguyên là một cựu binh của trận Tsushima, nó đang hoạt động như một tàu sửa chữa vào lúc bị đánh chìm.[60]

Liên quan